Châu Á đối mặt với đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử
Châu Á đối mặt với đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử
Châu Á đang trải qua “tháng 4 nóng nhất lịch sử” với nhiệt độ phá kỷ lục khắp châu lục, từ Đông Nam Á đến Nam Á. Chống biến đổi khí hậu đang trở nên vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
Người đàn ông ấn độ phải dội nước lên người để giải tỏa cái nóng
Nhiều kỷ lục nắng nóng bị phá vỡ
Nhiều kỷ lục nắng nóng đã bị phá vỡ trong đợt nắng nóng đầu tháng 4 vừa qua, được xem là "sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á" bởi các chuyên gia. Truyền hình CNN cho biết nền nhiệt trung bình ở nhiều nước châu Á đã liên tục lập kỷ lục mới khi đợt nắng nóng đầu tiên vào đầu tháng 4 chỉ mới bắt đầu. Nắng nóng khắp châu Á đã gây ra nhiều ảnh hưởng, và cho đến nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ở Ấn Độ, những đợt nắng nóng thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7. Tuy nhiên, những năm gần đây, những đợt nắng nóng này trở nên càng gay gắt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, ngày 18-4, tại 48 trạm thời tiết trên khắp đất nước, đã ghi nhận được nhiệt độ trên 42°C, với mức cao nhất là 44,2°C ở bang Odisha phía Đông Ấn Độ. Trong bang Maharashtra phía Tây Ấn Độ, ít nhất 13 người đã chết vì say nắng sau khi tham dự lễ hội địa phương. Trong khi đó, ít nhất hai bang Tripura ở phía Đông bắc và Tây Bengal ở phía Đông Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa trường học trong tuần này do nền nhiệt độ cao hơn 5°C so với bình thường.
Tại Ishurdi của Bangladesh trong ngày 17-4, nhiệt độ cũng tăng vọt lên 43°C. Trước đó, Thủ đô Dhaka cũng ghi nhận mức nhiệt rất cao 40,5°C, đây là mức nhiệt cao nhất trong vòng gần 60 năm qua. Đường phố Dhaka ít người đi bộ hơn bình thường và một số công trường xây dựng đã tạm dừng mọi hoạt động ngoài trời. Ở Đông Nam Á, một số quốc gia đã công bố nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận. Lào là quốc gia mới nhất lập kỷ lục mới mọi thời đại khi Luang Prabang ghi nhận nền nhiệt lên đến 42,7°C vào hôm 18-4. Myanmar cũng ghi nhận nắng nóng kỷ lục vào đầu tháng 4 khi nền nhiệt được đo tại thị trấn Kalewa, thuộc vùng Sagaing lên đến 44°C. Còn tại Campuchia, ngày 10-4 Bộ Y tế đã phải ra thông báo hướng dẫn người dân uống nhiều nước, tránh thức uống có cồn, không ăn mặn, ngọt, mặc quần áo chống nắng, tránh ra ngoài vào buổi trưa, Ở Thái Lan, tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất và nước này đã trải qua đợt nắng nóng nhất trong lịch sử vào giữa tháng 4 vừa rồi. Hôm 14-4, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt vượt ngưỡng 45°C, cao nhất là 45,4°C tại thị trấn Tak trong dịp lễ đón năm mới. Theo Arabiaweather, kỷ lục nhiệt độ trước đó tại Thái Lan là 44,6°C ghi nhận ở tỉnh Mae Hong Son vào năm 2016. Giống như nhiều quốc gia châu Á, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các kỷ lục nắng nóng hay “sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử”. Từ đầu mùa tới nay, Tây Bắc Bộ và miền Trung đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng nhưng đã có tới 2 đợt ghi nhận những giá trị vượt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước. Trong đợt nắng nóng đầu tiên, ngày 22-3, tổng cộng có tới 18 trạm khí tượng ở miền Bắc, miền Trung ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay trong cùng thời kỳ tháng 3, tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Nhiệt độ tại Kim Bôi là 41,4°C, vượt mốc lịch sử 38,1°C vào năm 1996. Tại Lạc Sơn nhiệt độ 39,4°C, vượt mốc lịch sử 39°C độ năm 1996. Tại thành phố Hòa Bình ghi nhận nhiệt độ 38,8°C, vượt mốc lịch sử năm 1996. Con Cuông là 40,4°C, vượt giá trị lịch sử năm 2014. Hương Sơn là 39,7°C, vượt giá trị lịch sử năm 2014.
Sang tháng 4, một lần nữa nhiệt độ lại phá vỡ các kỷ lục trước đó. Ngày 18-4, khoảng 10 trạm khí tượng ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã có giá trị lịch sử mới… Dự báo trong tháng 5-2023, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc, kể cả ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đặc biệt, cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6, 7 ở Bắc bộ và từ nửa cuối tháng 6, 8 ở Trung bộ. Trong khi đó, tháng 5 và tháng 6, Nam bộ sẽ chấm dứt nắng nóng.